Với những công ty đã đầu tư một dự án ở Việt Nam thì đã quen với các thủ tục pháp lý môi trường. Nhưng các công ty đầu tư dự án đầu tiền thì thường lúng túng với các thủ tục này. Có trường hợp các công ty mời chúng tôi thiết kế xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong khi vẫn chưa có ĐTM. ĐTM là viết tắt của hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Hệ thống xử lý nước thải thì có liên quan gì đến ĐTM? Bài viết này sẽ đi tìm hiểu chi tiết về ĐTM, và trả lời cho câu hỏi trên.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là gì?
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Báo cáo ĐTM) là hồ sơ nhằm xem xét, dự báo các vấn đề có liên quan đến môi trường. Mục đích của ĐTM là tìm ra giải pháp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường nói trên trong suốt quá trình hoạt động của Công ty. Và thông qua đây, Công ty cũng cam kết đảm bảo rằng hoạt động của Công ty tuân thủ đúng theo Quy định của Luật bảo vệ môi trường.
Như vậy ta thấy hệ thống xử lý nước thải là giải pháp mà công ty bạn đưa ra trong ĐTM để tránh làm ô nhiễm môi trường. Khi thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý nước thải bạn bắt buộc phải căn cứ theo ĐTM. Các thông số để làm căn cứ thiết kế thường là: Công suất nước thải, quy trình công nghệ xử lý nước thải, tiêu chuẩn nước thải đầu ra (cột A hay cột B tùy vào luật môi trường).
Khi nào cần phải lập ĐTM?
Báo cáo ĐTM được thực hiện đối với những dự án có quy mô sản xuất lớn được quy định trong Phụ lục II và Phụ lục III của Nghị định 18:2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015. Nghị định này quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Bạn nên đọc kỹ Nghị định này để biết dự án của bạn thuộc phạm vi nào. Dù bạn có thuê đơn vị tư vấn môi trường thực hiện lập ĐTM, nhưng theo chúng tôi bạn nên nắm rõ các quy định vẫn tốt hơn.
Đối với dự án hoàn toàn mới, ĐTM được lập trước khi dự án được xây dựng, nhập máy móc, thiết bị và hoạt động.
Ngoài ra, có các trường hợp dự án có sự điều chỉnh cũng cần phải lập lại ĐTM. Các trường hợp điều chỉnh như sau:
- Trong vòng 2 năm (24 tháng) không triển khai thực hiện dự án khi đã được cấp quyết định phê duyệt ĐTM.
- Thực hiện dự án tại vị trí khác với vị trí đã được phê duyệt trong ĐTM.
- Tăng công suất, mở rộng quy mô, thay đổi quy trình sản xuất so với ĐTM đã được phê duyệt.
Chủ đầu tư cần lưu ý những nội dung sau trong Báo cáo ĐTM
Nội dung báo cáo ĐTM được thực hiện theo Phụ lục 2.2 và 2.3 của Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/05/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn bạn có thể tra cứu thông tư trên.
Khi doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn lập Báo cáo ĐTM thì cần đọc kỹ thông tin và rà soát lại toàn bộ nội dung trong ĐTM. Đây là lời khuyên của của chúng tôi, và bạn nên nghiêm túc với việc này.
Đã có nhiều trường hợp khi doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất nhưng quy trình sản xuất, danh mục máy móc, thiết bị lại không đúng so với Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Có trường hợp chủ đầu tư không thực hiện như những gì đã cam kết trong ĐTM mà không hay biết.
Khi các cơ quan nhà nước đi kiểm tra nếu không thực hiện đúng theo ĐTM đã được phê duyệt thì có quyền phạt doanh nghiệp và mức phạt thì không hề nhỏ.
Vì vậy, chủ đầu tư cần đọc kỹ tất cả các thông tin trong ĐTM và lưu ý một số vấn đề quan trọng như sau:
- Tên dự án
- Địa điểm thực hiện dự án
- Quy mô xây dựng dự án, diện tích đất, diện tích hạng mục công trình
- Số lượng cán bộ công nhân viên khi thực hiện dự án và thời gian, số ca làm việc
- Quy trình hoạt động sản xuất
- Công suất sản xuất
- Danh mục máy móc, thiết bị của dự án
- Nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng
- Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm (nước thải, khí thải, chất thải, tiếng ồn,…)
Một số hồ sơ cần có trong quá trình lập Báo cáo ĐTM
Đây là danh sách các hồ sơ bạn cần chuẩn bị, sẽ rất hữu ích cho những bạn chưa có kinh nghiệm lập ĐTM.
- Kết quả đo đạc hiện trạng môi trường, đối với từng dự án (mới, thuê xưởng hoặc mở rộng,…) thì khu vực lấy mẫu hiện trạng sẽ khác nhau, thường sẽ đo đạc những khu vực sau:
- Không khí xung quanh đầu hướng gió, cuối hướng gió (đối với dự án chưa xây dựng)
- Không khí, khí thải xung quanh, trong xưởng (đối với dự án thuê xưởng hoặc nâng công suất)
- Mẫu đất trong khu vực dự án
- Mẫu nước mặt tiếp nhận nước thải từ dự án
- Giấy đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đầu tư
- Hợp đồng thuê đất/nhà xưởng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Giấy phép xây dựng
- Bản vẽ hệ thống thu gom nước thải, thoát nước mưa
- Dự án đầu tư/ Báo cáo nghiên cứu khả thi
Trên đây là một số hồ sơ cơ bản cần phải có trong quá trình lập báo cáo ĐTM, tuy nhiên tùy vào những trường hợp khác nhau sẽ bổ sung thêm một số hồ sơ cần thiết khác như:
- Đối với công ty nằm trong Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao thì cần có Hợp đồng đấu nối nước thải, các giấy tờ liên quan đến hoạt động của dự án trong các khu này.
- Giấy thỏa thuận địa điểm đối với những khu vực chưa chuyển mục đích sử dụng đất,…
Kết luận
Đánh giá tác động môi trường thường không dễ dàng cho những người không có kinh nghiệm. Do đó, đa số các chủ đầu tư sẽ thuê công ty tư vấn môi trường lập ĐTM. Và việc lập ĐTM phải được thực hiện trước khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đây là điều bắt buộc. Vì các thông số làm căn cứ để thiết kế hệ thống xử lý nước thải sẽ nằm trong ĐTM của bạn.
Để luôn chủ động thì bạn nên đầu tư thời gian nắm rõ quy trình lập ĐTM, cũng như công đoạn xây dựng hệ thống xử lý nước thải sau đó.