Hiện nay, chỉ một số ít các công ty lớn là có bộ phận quản lý môi trường, có nhân viên phụ trách môi trường cho công ty. Còn đa số các công ty, doanh nghiệp nhỏ lẻ thì hầu như đều không có nhân viên phụ trách và am hiểu về môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp này khi bị các cơ quan nhà nước kiểm tra và yêu cầu chuẩn bị hồ sơ về môi trường thì rất bị động. Nhiều khi lại không biết hồ sơ môi trường là có những gì, công ty mình đã thực hiện hay chưa.
Hồ sơ môi trường là gì ? Nó bao gồm những giấy tờ gì ?
Hồ sơ môi trường là các hồ sơ liên quan đến các vấn đề môi trường của các doanh nghiệp, được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các hồ sơ môi trường được lập ra để giám sát, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường như đã cam kết.
Sau đây chúng tôi sẽ liệt kê tổng hợp một số hồ sơ, thủ tục môi trường mà doanh nghiệp cần phải thực hiện. Các hồ sơ cho các doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động sẽ khác với doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.
Hồ sơ môi trường cho các doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động
Đối với những doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động, trước khi nhập máy móc, thiết bị về thì cần tiến hành thực hiện một trong các hồ sơ sau:
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hay còn gọi là ĐTM): thực hiện đối với những dự án của các doanh nghiệp, cơ sở có quy mô sản xuất lớn được quy định trong Phụ lục II của Nghị định 18:2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015, quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Kế hoạch bảo vệ môi trường (tên gọi cũ là Cam kết bảo vệ môi trường): thực hiện đối với những dự án có quy mô nhỏ hơn, không thuộc trong Phụ lục II và IV của Nghị định 18:2015/NĐ-CP.
Hồ sơ môi trường cho doanh nghiệp đã đi vào hoạt động
Sau khi đi vào hoạt động, các cơ sở, các doanh nghiệp chưa tiến hành lập một trong hai hồ sơ: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường (Kế hoạch BVMT) thì phải tiến hành lập một trong hai hồ sơ sau:
- Đề án bảo vệ môi trường chi tiết (Đề án BVMT chi tiết): được áp dụng đối với những cơ sở đã đi vào hoạt động mà chưa lập hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Và áp dụng cho doanh nghiệp có công suất, quy mô, tính chất ngành nghề tương tự đối với các dự án phải lập ĐTM. Có thể nói là hồ sơ “chữa cháy” cho ĐTM, thay thế cho ĐTM.
- Đề án bảo vệ môi trường đơn giản (Đề án BVMT đơn giản): được áp dụng đối với những cơ sở đã đi vào hoạt động mà chưa lập hồ sơ Kế hoạch BVMT (hay cam kết bảo vệ môi trường). Và có công suất, quy mô, ngành nghề tương tự đối với các dự án phải lập Kế hoạch BVMT.
Các hồ sơ môi trường khác trong quá trình hoạt động
Ngoài các hồ sơ trên, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các hồ sơ bổ sung như sau:
- Báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ (tên gọi cũ là Báo cáo giám sát môi trường định kỳ): các doanh nghiệp cần đo đạc và giám sát môi trường định kỳ theo như những gì đã cam kết trong ĐTM, Kế hoạch BVMT hoặc Đề án BVMT. Và báo cáo lên cơ quan nhà nước. Có thể là Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu công nghiệp hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường, theo quy định. Tùy từng khu vực mà báo cáo này có thể lập 4 lần/năm, 2 lần/năm hoặc 1 lần/năm.
- Hồ sơ đăng ký sổ chủ nguồn thải: được thực hiện đối với tất cả các doanh nghiệp, cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không cần thiết phải đăng ký Sổ chủ nguồn thải quy định trong Nghị định 38:2015/NĐ-CP.
- Giấy phép xả thải: được thực hiện đối với những doanh nghiệp có phát sinh nước thải và xả thải ra môi trường. Giấy phép xả thải được làm sau khi đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.
- Hồ sơ khai thác nước ngầm: được thực hiện đối với những doanh nghiệp, cơ sở có nhu cầu sử dụng, khai thác nguồn nước ngầm, để phục vụ cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Báo cáo kết quả thực hiện các công trình, và biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (hay còn gọi là Báo cáo hoàn thành ĐTM):
Khi nào doanh nghiệp cần phải thực hiện Báo cáo hoàn thành ĐTM? Là sau khi đã hoàn thành xong hồ sơ và nhận quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mục đích của loại hồ sơ này là để xác nhận việc đã thực hiện các nội dung, yêu cầu như đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động đến môi trường. - Báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết (Báo cáo hoàn thành Đề án chi tiết BVMT): sau khi đã hoàn thành xong hồ sơ và nhận quyết định phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết BVMT, thì doanh nghiệp cần
hoàn thành các nội dung đã cam kết.
Để xác nhận việc đã hoàn tất các cam kết, thì doanh nghiệp cần phải thực hiện Báo cáo hoàn thành Đề án chi tiết BVMT.
Kết luận
Việc thực hiện đầy đủ các hồ sơ môi trường cần thiết sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, bình thường. Và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đến môi trường.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường có thể sẽ bị xử phạt. Thậm chí còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh và sản xuất.
Hi vọng với những kinh nghiệm trên đây sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về các hồ sơ, thủ tục pháp lý về môi trường. Hy vọng bạn và sẽ có những lựa chọn đúng đắn hơn khi tìm kiếm giải pháp môi trường cho doanh nghiệp, của mình.
Lê hữu toản
Dtm là báo cáo đánh giá tác động môi trường , dự đoán những vấn đề ô nhiễm có thể xảy ra để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường